BIDV và Agribank mắc kẹt vốn tại Agritour: Khi cổ đông lớn chiếm dụng vốn của doanh nghiệp

136 lượt xem - Posted on

BIDV chật vật xử lí nợ trong khi Agribank vẫn chưa thể thoái được vốn tại Agritour. Hoạt động kinh doanh của Agritour đi xuống trầm trọng trong những năm qua do phần lớn nguồn vốn kinh doanh bị chiếm dụng bởi CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, cổ đông lớn nhất của công ty.

BIDV và Agribank chật vật thu hồi vốn tại Agritour

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) thông báo bán đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) tại chi nhánh Hàm Nghi, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.
BIDV cho biết tổng dư nợ của khoản nợ tính đến hết ngày 3/10/2019 là 438,9 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là 331,8 tỉ đồng, dư nợ lãi là 107 tỉ đồng.
Ngân hàng chào giá khởi điểm cho khoản nợ này là gần 369 tỉ đồng, chỉ bằng gần 84% giá trị của khoản nợ và thấp hơn 66 tỉ đồng so với giá đưa ra trong đợt đấu giá lần đầu vào ngày 31/8/2019.
Theo thông tin được Agritour công bố, khoản nợ của công ty tại BIDV được hình thành từ năm 2015 theo hợp đồng tín dụng hạn mức số 0212/2015/HĐTD, với mục đích vay để bổ sung vốn lưu động kinh doanh. Thời hạn vay của khoản nợ trên là 12 tháng kể từ ngày 15/7/2016 và lãi suất 9,5%/năm.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất với diện tích 8.146,5m2 thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến cuối năm 2019, khối tài sản đảm bảo này được định giá là hơn 415 tỉ đồng.

Agritour có trụ sở chính đặt tại 57 – 59 Thùy Vân, TP Vũng Tàu với Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Trần Văn Mười. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế và nội địa; vận chuyển hành khách; kinh doanh khách sạn và nhà hàng; bất động sản…

BIDV và Agribank mắc kẹt vốn tại Agritour: Khi cổ đông lớn là con nợ khó đòi - Ảnh 1.

Beautiful Five Star Hotel – dự án khách sạn của Agritour tại Vũng Tàu. (Nguồn: Agritour)

Từ khi thành lập đến nay, Agritour chưa thực hiện tăng vốn và vốn điều lệ vẫn giữ nguyên so với mức góp ban đầu của các cổ đông là 230 tỉ đồng.
Số liệu đến thời điểm 25/9/2019 cho thấy cổ đông lớn của công ty này gồm có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn Việt Nam (Agribank) với tỉ lệ sở hữu 23%, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao với tỉ lệ sở hữu 51,03%, Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn với tỉ lệ sở hữu 24,97%.
Trong đó, Agribank từng nhiều lần đăng kí thoái vốn tại Agritour nhưng đều bất thành. Lần gần đây nhất là vào tháng 3/2020, Agribank đăng kí thoái hết số vốn tại Agritour với mức giá khởi điểm là 14.276 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 7% so với lần đấu giá năm 2019 (15.370 đồng/cổ phiếu) và giảm hơn 25% so với lần chào bán đầu tiên vào cuối năm 2017 (18.990 đồng/cổ phiếu).

Agritour lao dốc vì khoản nợ khó đòi của cổ đông lớn

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, năm 2019, doanh thu của Agritour đạt hơn 51 tỉ đồng, gấp 3 lần so với 2018, nhưng lợi nhuận gộp vẫn âm hơn 920 triệu đồng. Kết quả, công ty ghi nhận mức lỗ gần 2,3 tỉ đồng.
Theo lí giải của ban lãnh đạo Agritour, doanh thu tăng mạnh trong năm 2019 do công ty kí kết và thực hiện hợp đồng bán hàng hóa trị giá hơn 37,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận công ty vẫn âm bởi nguồn thu chính đến từ mảng kinh doanh khách sạn nhưng khách sạn Mỹ Lệ trực thuộc đang bị xuống cấp trầm trọng, lượng khách ngày càng thấp, trong khi công ty vẫn phải trả các chi phí vận hành.
Trước đó, hoạt động kinh doanh của Agritour đã lao dốc mạnh trong hai năm 2017 – 2018 khi doanh thu thuần giảm từ mức hơn 660 tỉ đồng vào năm 2016 xuống chỉ còn 16,5 tỉ đồng, tương ứng giảm hơn 97%. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng chuyển từ lãi 2,2 tỉ đồng trong năm 2016 xuống âm liên tục trong ba năm vừa qua.

Vì sao Agribank và BIDV vẫn chưa thể thu hồi vốn tại Agritour? - Ảnh 1.

Sự đi xuống trầm trọng của Agritour xuất phát từ việc phần lớn nguồn vốn kinh doanh bị chiếm dụng bởi CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, cổ đông lớn nhất của công ty.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 và 2019, đại diện phía Agribank đã liên tiếp đề nghị xem xét trách nhiệm của ban lãnh đạo công ty trong việc để tồn động nợ phả thu kéo dài, đặc biệt là khoản phải thu của CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao khi nguồn vốn kinh doanh bị chiếm dụng gần 100% trong thời gian 3 – 5 năm.

Mức độ chiếm dụng vốn nghiêm trọng đến mức, tại thời điểm 31/12/2019, khoản phải thu khó đòi của CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao và chi nhánh nhà máy phân bón Năm Sao đã lên đến 571 tỉ đồng, chiếm tới 86% tổng tài sản của Agritour. Trong khi, tiền mặt của công ty chỉ còn khoảng 600 triệu và hàng tồn kho chỉ ở mức 24 triệu đồng.
Ngoài ra phía Agribank cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo Agritour trong việc cho công ty này mượn tài sản không đúng qui định pháp luật. Cụ thể, Agritour đã dùng tài sản là 468m2 đất tại 45/36 Thùy Vân và 151m2 đất tại 63 Thùy Vân để làm tài sản đảm bảo cho CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao vay vốn tại Ngân hàng VID Public.
Chia sẻ tại đại hội thường niên 2019, bà Đỗ Thị Phong Lan, Tổng Giám đốc Agritour cho biết đã nhiều lần gửi văn bản và cử cán bộ đến Tập đoàn Quốc tế Năm Sao để thu hồi nợ và yêu cầu trả lại tài sản. Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cam kết sẽ trả cho Agritour 50 tỉ đồng trước thời điểm 31/12/2019 để trả nợ cho BIDV và hoàn trả tài sản Agrirtour trong quí IV/2019.
Cũng tại đại hội, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc tế Năm Sao đề nghị Agritour gia hạn thêm thời gian đến 31/12/2019, tập đoàn sẽ huy động mọi nguồn vốn và tiếp tục làm việc với Ngân hàng VID Public để giải chấp toàn bộ tài sản. Ngay khi giải chấp, Tập đoàn sẽ chuẩn bị thủ tục để bàn giao đầy đủ giấy tờ cho Agritour.

Về khoản công nợ đối với Agritour, ông Vũ Anh Tuấn đề xuất kế hoạch trả dần trong 5 quí từ quí IV/2019 đến quí IV/2020. Trong đó, 4 quí đầu sẽ trả 100 tỉ đồng và quí cuối cùng sẽ trả hơn 123 tỉ đồng.

Theo Vietnambiz

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *