OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng từ ngày 1/5

129 lượt xem - Posted on

Tại cuộc họp hôm ngày 27/4, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch bơm dầu trở lại thị trường trong giai đoạn tháng 5 – 7/2021 như dự định hồi đầu tháng 4.

Theo Reuters, OPEC, Nga và các đồng minh (tức OPEC+) sẽ bám sát kế hoạch nới lỏng mức giảm sản lượng theo từng giai đoạn trong tháng 5 -7 năm nay trong bối cảnh dự báo lạc quan về sự phục hồi của nhu cầu dầu mỏ thế giới, bất chấp tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản.

Chia sẻ với Reuters, 4 nguồn tin cho biết liên minh dầu mỏ này đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức cuộc họp bộ trưởng vào ngày 28/4 sau khi nhóm họp hôm 27/4.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng khẳng định ủy ban các bộ trưởng của OPEC+ đã quyết định tuân thủ kế hoạch được thông qua tại cuộc họp ngày 1/4.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga thông tin thêm rằng các nước thành viên OPEC+ sẽ tổ chức cuộc gặp tiếp theo vào ngày 1/6 để xem xét mức giảm sản lượng cho tháng 7 và 8. Một tuyên bố của OPEC+ cũng ấn định thời gian tương tự.

OPEC+, tổ chức cung cấp khoảng 30% nguồn cung dầu thô toàn cầu, đã tự nguyện giảm sản lượng khoảng 8 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 8% nhu cầu chung. Trong đó, Arab Saudi tự nguyện giảm 1 triệu thùng/ngày.

Ở cuộc họp đầu tháng 4, OPEC+ đã nhất trí bơm 2,1 triệu thùng dầu/ngày trở lại thị trường từ tháng 5 đến tháng 7, hạ mức giảm sản lượng xuống còn 5,8 triệu thùng/ngày. Cụ thể, liên minh dầu mỏ đã đồng ý sẽ tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 5, thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và cuối cùng thêm 450.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Ngoài ra, Arab Saudi sẽ tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, sau đó tăng 250.000 thùng/ngày trong tháng 5, 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và cuối cùng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.

OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng từ ngày 1/5 - Ảnh 1.
Ảnh minh họa: Reuters.

Trong một báo cáo của các chuyên gia OPEC+, liên minh dầu mỏ dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày, sau khi giảm mạnh 9,5 triệu thùng/ngày vào năm ngoái.

Tuy nhiên, dù các nước trên thế giới đã triển khai được 1 tỷ mũi tiêm ngừa COVID-19, OPEC+ vẫn quan ngại về tình hình dịch bệnh phức tạp ở Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản vì tốc độ phục hồi của thị trường dầu mỏ có thể phải chịu tác động xấu.

Giá dầu phục hồi vào ngày 27/4 sau khi giảm trong phiên trước. Song, mức tăng bị hạn chế do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu liên liệu của Ấn Độ – thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới, có thể lao dốc vì thảm cảnh dịch bệnh.

Theo ghi nhận trên oilprice.com vào 7h sáng ngày 28/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI đều đang trong xu hướng tăng, trong đó giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 66,4 USD/thùng còn giá dầu WTI giao dịch ở mức 63 USD/thùng.

Báo cáo của các chuyên gia OPEC+ còn dự đoán dự trữ dầu thô thương mại toàn cầu sẽ đạt 2,95 tỷ thùng trong tháng 7, dưới mức trung bình giai đoạn 2015 – 2019. Dự kiến, dự trữ dầu thô sẽ duy trì ở khoảng này cho đến hết năm 2021.

Theo Vietnambiz